Vả Mõm Trà Xanh

Truyện full



Nửa đêm, tôi nhận được tin nhắn WeChat từ “thanh mai trúc mã” của Giang Trì:

“Anh ấy em nhường chị đấy. Dù anh ấy không yêu chị bằng em, nhưng chị phải chăm sóc anh ấy cho tử tế nhé.”

Tôi không nói không rằng, quay sang lay Giang Trì dậy.

Anh vừa mở mắt đã lồm cồm bò dậy, cầm điện thoại, gõ lia lịa như đang chơi điện tử:

“Này bà chị, chị bị làm sao thế? Chỉ là tôi chưa kịp xóa cái thư tình chị nhét vào balo năm lớp 12 thôi mà?”

“Có bệnh thì đi viện khám đi, nửa đêm nửa hôm nhắn tin phá giấc ngủ bạn gái tôi là sao hả?!”


Tôi với Giang Trì yêu nhau năm năm, hai đứa vừa ra trường đã tính đến chuyện đính hôn.

Vừa mới ngồi xuống, phụ huynh đôi bên chưa kịp rót hết chén trà thì cạch — cửa bật mở.

Một cô gái bước vào, dáng vẻ yếu ớt như gió thổi bay, mặc cái váy công chúa tay phồng xanh nhạt, đi giày cao gót nhọn hoắt, trang điểm nhẹ kiểu “em đẹp tự nhiên mà”.

Vừa vào đã cười tủm tỉm, buông câu chào khó đỡ:

“Ơ kìa, Giang Trì, anh đính hôn á? Sao không bảo em một câu?”

Tôi liếc nhìn Giang Trì ra hiệu, kiểu “Con này là ai đây?”

Anh lặng thinh mấy giây rồi hỏi lại:

“Em đến đây làm gì?”

Cô kia nũng nịu, vênh mặt:

“Ơ hay, em không được đến à? Bao năm tình nghĩa, anh có bạn gái cũng không định giới thiệu cho em sao? Hay là… sợ ai đó ghen?”

Tôi bắt đầu thấy ngứa mắt.

Giang Trì cười nhạt, quay sang tôi:

“Giới thiệu chút nhé, đây là bạn gái anh – Lâm Mộ.
Còn đây là Trần Uyển, con dì hàng xóm cũ.”

Tôi định gật đầu cho phải phép thì cô kia đã tủm tỉm cười, lại còn nhích lại gần Giang Trì, khẽ vỗ nhẹ vào tay anh một cái – thân mật ra mặt.

“Giời ơi, giới thiệu kiểu gì kỳ cục vậy? Bọn em là thanh mai trúc mã cơ mà, chứ hàng xóm thì vứt đâu chẳng có!”

Mặt phụ huynh nhà Giang Trì bắt đầu tái nhợt.

Tôi còn chưa kịp lên tiếng, Giang Trì đã cắt lời:

“Trần Uyển, anh nói em là con dì hàng xóm là giữ mặt mũi cho em đấy. Nhà anh dọn về khu đó mới ba năm, em nhớ chưa?”

“Lại dùng định vị theo dõi điện thoại mẹ anh chứ gì? Em theo anh như hình với bóng suốt ba năm nay, em không thấy mệt à?”

Số là mẹ Giang Trì thích sống ảo, ngày nào cũng đăng ảnh khoe đồ ăn, check-in lung tung, tiện tay gắn định vị. Mà cô Trần Uyển này thì bám mạng như chó săn — cứ thấy định vị là vác váy đến liền.

Trần Uyển đỏ hoe mắt, lạc giọng:

“Giang Trì, anh phải tuyệt tình với em thế à?
Em thừa nhận em có lỗi, nhưng đàn ông con trai thì phải rộng lượng chứ? Sao lại phũ thế hả?”

Rồi cô ta quay sang tôi, nhìn từ đầu đến chân:

“Anh ở bên cô ta chỉ để trả thù em đúng không? Em tìm hiểu rồi, cô ta cũng bị cận mắt phải 120 độ, cũng thích màu trắng với xanh, mà còn… học kế toán y như em nữa!”

“Giang Trì, anh giận em thì giận, nhưng cũng không cần tìm người giống em đến mức thế…”

Tôi: “???”

Giang Trì nghe xong thì không nhịn nổi nữa, thẳng tay đẩy cô ta ra ngoài cửa:

“Chị gái ơi, tỉnh lại hộ em cái. Chị lấy gì ra mà đòi so với Tiểu Mộ hả?”

Nói xong “rầm” một phát, đóng sầm cửa.

Anh quay sang mẹ, mặt rầu rĩ:

“Mẹ ơi, lần sau mẹ đăng ảnh nhớ chặn cái chị này hộ con với.”

Mẹ Giang Trì thì vừa xấu hổ vừa vội kéo tay tôi:

“Tiểu Mộ ơi, dì xin lỗi con nhiều lắm… tại dì sơ ý quên chặn con bé dở hơi kia. Dì chặn ngay, chặn vĩnh viễn luôn!”

Nghe đến đây thì sắc mặt bố mẹ tôi mới giãn ra đôi chút.

Giang Trì nhìn mẹ tôi, vỗ ngực nói chắc như đinh đóng cột:

“Dì cứ yên tâm, con không bao giờ để Tiểu Mộ của con phải chịu tủi thân!”

Bố mẹ tôi bận lắm, bàn chuyện đính hôn xong là cáo lui luôn, không kịp uống hết chén trà.

Trên đường Giang Trì đưa tôi đi làm, anh nhận được cuộc gọi.

Chưa kịp nhìn ai gọi, anh bật luôn loa ngoài. Vừa bật lên, giọng ngọt như rót mật đổ vào tai:

“Giang Trì ơi, em đau dạ dày quá. Anh qua thăm em được không? Nhớ mua cháo ở cái quán anh hay mua cho em nhé!”

Tôi hắng giọng “hừm” một cái.

Giọng bên kia lập tức chuyển sang tông người tốt quốc dân:

“Ơ, Lâm Mộ cũng ở đấy à? Chị đừng giận nha, em với Giang Trì quen nhau lâu lắm rồi. Trước khi chị xuất hiện, bọn em thân lắm cơ.
Mà yên tâm, em không trách chị đâu. Giang Trì là người sống tình cảm mà~”

Giang Trì hít vào một hơi thật sâu, sau đó tấp luôn xe vào lề, đập nhẹ tay lên vô lăng một cái “cộp”, rồi bắt đầu xả:

“Trần Uyển, em có bị làm sao không đấy? Em nói chuyện kiểu gì mà người khác không hiểu lại tưởng thật?”

“Cháo là mẹ em nhờ anh mua, anh có chủ động đâu? Mà trước khi Tiểu Mộ xuất hiện bọn mình thân lắm á? Em có tự trọng tí nào không? Em bám anh như sam ba năm trời, anh chạy còn không kịp!”

“Không trách Tiểu Mộ à? Em lấy tư cách gì để trách cô ấy? Em nghĩ bọn mình thân thiết thật à?”

“Anh nói thật, em nên đi khám đi. Không thì để anh đặt lịch cho. Chứ cái kiểu ngày nào cũng phát bệnh như này, người thường không chịu nổi đâu!”

Bên kia sụt sịt khóc rồi dập máy.

Giang Trì chưa nguôi, mở luôn WeChat nhắn thẳng:

“Có bệnh thì đi chữa đi, đừng phát bệnh vào mặt tôi nữa.”

Gửi xong, anh ấn Xoá bạn rồi chặn cái rầm.

Sau đó giơ tay thề giữa ban ngày ban mặt:

“Tiểu Mộ, em tin anh đi, anh với cô ta thật sự không có gì cả. Cô ta chưa từng phát điên như vậy đâu…”

Tôi vỗ vai an ủi:

“Em biết. Em biết từ hồi chưa biết mặt cô ta rồi.”

Tôi với Giang Trì yêu nhau năm năm, cái tên “Trần Uyển” nghe mòn cả tai. Nhưng đây là lần đầu tôi thấy bản gốc “phiên bản full HD không che”.

Hồi Giang Trì công khai yêu tôi, tôi nhận được lời mời kết bạn lạ hoắc trên WeChat. Gửi kèm là mấy dòng sến súa:

“Chị ơi, chị nhất định phải yêu Giang Trì thật nhiều nhé. Anh ấy dạ dày yếu, kén ăn, lại hay lạnh lùng, nhưng thật ra là người rất tốt…”

“Nên… làm ơn, chị hãy đối xử với anh ấy thật tử tế, em xin chị.”

Tôi vừa đọc vừa nhìn Giang Trì đang ngồi bên cạnh, tay bóc tôm cho tôi, đầu cúi cắm vào đĩa như đang thi bóc tốc độ.

Tôi đưa điện thoại cho anh xem.

Anh nhìn ảnh đại diện một lúc, nhíu mày:

“Ai đây nhỉ? Anh không quen!”

Rồi lại cúi gằm xuống… bóc tiếp.

Điện thoại anh lúc ấy rung lên. Anh tiện tay đặt vào lòng tôi:

“Tiểu Mộ, xem hộ anh với. Nếu tin nhắn thì rep giùm.”

Tôi vừa mở ra thì thấy cái ảnh đại diện… y xì cái người vừa gửi lời mời kết bạn kia. Định xem ghi chú thì chẳng thấy tên gì cả.

Tin nhắn hiện lên:

“Giang Trì, anh có bạn gái rồi. Những lời anh từng nói với em không còn giá trị nữa rồi sao?”

“Em chúc anh hạnh phúc.”

Tôi nóng mặt. Nói chuyện nghe như nữ chính bi kịch.

Giang Trì nhìn tôi, rồi nhìn điện thoại. Lát sau mở luôn trang cá nhân của cô ta, lướt một vòng, tra cả danh sách bạn chung, sau đó gằn giọng:

“Trần Uyển, em lại lên cơn gì nữa đấy?”

Cô kia nhắn lại liền:

“Hồi bé anh từng nói sẽ bảo vệ em mà…”

Giang Trì tức thì bật chế độ “quản lý phường”:

“Anh nhớ rồi! Lúc ba tuổi, mẹ anh bảo anh là con trai thì phải nhường nhịn em gái, nên mới nói thế!”

“Thế mà em ôm về suy diễn tận 20 năm? Anh nói thật: Bệnh viện XX – khoa thần kinh – có tiếng lắm. Đặt lịch rồi, em nhớ đi khám nha!”

Xong, lại xoá bạn, chặn, dứt điểm.

Tôi nhớ có lần còn bênh cô ta:

“Thôi thôi, cũng đừng mắng con gái tệ thế…”

Giờ nghĩ lại, chỉ muốn quay về tự vả cho tỉnh!

Cuối tuần tôi theo Giang Trì về nhà ăn cơm. Vừa bước vào đã nghe tiếng ai trong bếp oang oang:

“Ơ hay, con bé ấy có cái gì đâu mà cả nhà coi như của quý? Tầm thường!”

Nghe qua là biết đang nói tôi.

Tôi đứng đơ luôn ở cửa.

Ngay sau đó là giọng mẹ Giang Trì, giòn tan như chiên nem:

“Ui dào, với nhà tôi thì con bé ấy cái gì cũng tốt cả. Đại học danh tiếng, công việc ngon nghẻ. À, mà con bé Tiểu Uyển nhà chị học liên thông xong chưa thế?”

“Tiểu Mộ vừa tốt nghiệp đã có việc luôn, còn con bé nhà chị… vẫn ở nhà chơi à? Nói thật, con gái thời nay cũng nên có sự nghiệp, chứ đừng ngồi ôm điện thoại chờ lấy chồng.”

Giang Trì lúc đó ho khẽ một tiếng, đỡ túi xách cho tôi, rồi tiến vào như tướng quân vào trận:

“Dì Trần, Tiểu Mộ là bạn gái cháu. Không cần biết cô ấy xuất sắc cỡ nào, nhưng người ngoài không có quyền đánh giá.”

Anh thản nhiên cầm túi của bà ấy, đặt sang một bên, đưa lại tận tay:

“Dì Trần, muộn rồi đấy ạ. Dì không có nhà à? Về đi ạ, không trời tối mất.”

Chưa dừng ở đấy, Giang Trì còn lịch sự đứng dậy, nhẹ nhàng kéo tay mẹ Trần Uyển:

“Dì ơi, cháu tiễn dì ra ngoài một chút nhé.”

Mặt bà kia tím tái, nụ cười như bị ai rút điện:

“Cháu này, nói chuyện với người lớn mà chẳng có tí lễ phép nào cả. Dù sao dì cũng là bề trên của cháu…”

Giang Trì cười khẩy:

“Dì ơi, họ chúng ta khác nhau, chẳng máu mủ ruột rà gì, cùng lắm từng ở chung khu trọ vài năm. Dì mà tính là bề trên thì cả cái khu đó thành ông bà tổ tiên nhà cháu hết rồi còn gì.”

“Cháu biết dì cũng có tuổi rồi, thi thoảng muốn kiếm tí danh nghĩa để tiện chiếm lợi với bọn trẻ, nhưng tiếc là… tiện nghi này, không dễ nhằn đâu ạ.”

Bà ta đi ra mà mặt trắng bệch như trát phấn lỗi tông, vừa xấu hổ vừa tức mà không dám quay đầu lại.

Mẹ Giang Trì kéo tôi ngồi xuống, cười gượng mấy cái rồi nhỏ giọng:

“Thật ra hồi xưa nhà bác từng làm hàng xóm với nhà con bé Uyển. Lúc ấy bố Giang Trì mới khởi nghiệp, có nhận được chút giúp đỡ từ bố con bé.”

“Thế nên, dù sau này không liên lạc gì nữa, nhưng bác với chú ấy vẫn thi thoảng xã giao cho phải phép.”

“Tiểu Mộ này, cháu cứ yên tâm. Ơn nghĩa là chuyện của người lớn, không liên quan gì đến Giang Trì cả.”

Đang ăn, tôi cúi xuống lướt Weibo thì thấy một người lạ vừa ấn theo dõi. Nickname thì hoa mỹ hết sức: “Mùa hè rực rỡ Uyển Thanh”.

Vào trang cá nhân, thấy bài ghim đầu dòng đầy nước mắt:

“Không sao đâu, thật sự không sao… Em có thể gom hết những câu chị đang nói lại thành một câu thôi: ‘Lúc trẻ người ta dễ nói những điều khiến người khác đau đớn đến mức không quên được…’”

Bên dưới là nguyên bộ ảnh ghép 9 tấm: một bé trai và một bé gái hồi nhỏ, chụp chung các kiểu hoa lá cành. Nhìn kỹ thì bóng lưng cậu bé hơi giống Giang Trì thật.

Tôi không nói gì, đưa điện thoại cho anh.

Giang Trì nhìn ảnh vài giây, rút điện thoại ra gọi luôn:

“Alo, bệnh viện tâm thần thành phố A đấy ạ? Có một ca nghi ngờ tâm lý không ổn định, tôi gửi địa chỉ, mong các anh cử người đến xem xét giùm. Tôi nghĩ cô ấy bắt đầu có ảo giác rồi.”

Tất nhiên, Giang Trì chẳng phải người thân gì của Trần Uyển, nên bệnh viện cũng chỉ gọi hỏi thăm cho có lệ. Nhưng thế là đủ làm tôi phì cười.

Ăn cơm xong, tôi lên Weibo thấy Trần Uyển viết thêm một bài dài như luận văn: nội dung xoay quanh thanh mai trúc mã cay đắng nhìn người từ trên trời rơi xuống cướp mất tình yêu.

Mà xem kỹ thì nhân vật “người từ trời rơi xuống” kia chính là tôi. Trong bài viết, tôi được khắc họa là một con “trà xanh” đội lốt ngoan hiền, ham hố nhà giàu, thủ đoạn khỏi bàn.

Tôi cười khẩy, thoát Weibo. Trẻ con đánh võ mồm thì mình nhịn, chứ không hạ mình so đo với thể loại “ảo tưởng siêu cấp” ấy.

Nơi tôi và Giang Trì làm việc khá xa nhà anh. Hai đứa có tính đến chuyện dọn về ở chung sau cưới, nhưng hiện tại vẫn ai ở nhà nấy.

Hôm đó tôi theo anh về lấy đồ. Vừa định mở cửa thì… cạch, cửa đối diện bật mở trước.

Căn hộ này nằm ở khu công nghệ mới, chung quanh chủ yếu là công ty lớn. Nhà chung cư cũ, mỗi tầng chỉ vài hộ. Căn đối diện trước giờ vốn bỏ trống.

Tôi định bụng chào hỏi hàng xóm mới thì… ô hô, ai ngờ lại là Trần Uyển!

Nhà cô ta tận Đông Thành, đây là Tây Thành — cách nhau nửa cái thành phố.

Tôi đứng đơ, còn cô ta thì mặc đồ ngủ sáng màu, tay cầm hộp đồ ăn, cười toe với Giang Trì:

“Giang Trì, trùng hợp quá nhỉ? Em mới xin được việc gần đây, lại ở ngay đối diện nhà anh. Giống hệt hồi nhỏ luôn ấy, nhớ không? Hai nhà mình cũng từng ở đối diện nhau…”

Giang Trì:

“Có việc gì không?”

Trần Uyển bước lại gần, giọng ngọt như siro ho:

“Không có gì to tát đâu. Trưa nay mẹ em sang chơi, tiện tay nặn ít bánh bao. Em nhớ anh thích bánh mẹ em làm nên nhờ mẹ làm thêm, mang qua biếu anh.”

Tôi nghe xong tự dưng thấy nghèn nghẹn. Mấy chuyện “hồi nhỏ”, tôi chưa từng chứng kiến. Tự dưng bị nhét ra rìa như người ngoài cuộc.

Giang Trì thì không để cô ta kịp múa mép thêm, vội mở khóa kéo tôi vào:

“Nếu không có việc gì thì em về đi. Với cả, anh chả nhớ hồi bé mình thích món gì đâu.”

Thấy Trần Uyển định nói tiếp, Giang Trì quay lại nói thẳng:

“Mà anh tưởng khu này toàn công ty công nghệ, tuyển toàn người có chuyên môn. Không có ý coi thường em, nhưng em vào đây bằng cách gì thế?”

“Với cả, ra ngoài làm rồi mà mẹ vẫn phải mang cơm tận nơi à? Em không ngại, chứ anh nhìn mà xấu hổ thay luôn.”

Mặt Trần Uyển xanh như tàu lá, cố gắng gượng cười:

“Em chỉ… nhớ hồi nhỏ thôi mà…”

Giang Trì gằn giọng:

“Trần Uyển, em ngoài hai mươi rồi đấy. Đừng suốt ngày ‘hồi nhỏ, hồi nhỏ’ mãi thế. Hồi nhỏ thì liên quan gì đến bây giờ?”

“Anh biết em sống không vui vẻ, nhưng đừng có đứng trước mặt bạn gái anh mà tua đi tua lại quá khứ. Anh với em, thân thiết cái nỗi gì mà em lôi mãi ra để kể?”

Trần Uyển rưng rưng, hỏi như rút ruột:

“Anh sợ cô ta giận à?”

Giang Trì đáp gọn lỏn, gằn từng chữ:

“Ông đây là không muốn để Tiểu Mộ phải suy nghĩ vẩn vơ!”

Nói xong, “rầm” một tiếng — đóng sầm cửa, dứt điểm cuộc đối thoại như dứt đứt cái dây thần kinh ảo tưởng của ai kia.

Ngày mai tôi còn phải đi làm, nên lấy đồ xong là tính về luôn.

Vừa bước ra tới bãi xe cùng Giang Trì, ai ngờ lại tông mặt phải… Trần Uyển.

Mới có chưa đầy nửa tiếng, cô ta đã kịp lột xác: mặc áo hoodie năng động, tóc buộc đuôi ngựa, trang điểm nhẹ nhàng, nom tươi như vừa được sạc đầy pin.

Phải công nhận một điều — tinh thần chiến đấu của Trần Uyển thuộc loại phục hồi siêu tốc. Mới bị Giang Trì mắng xối xả ban sáng, giờ đã cười tươi như chưa từng “ăn chửi” trong đời.

“Giang Trì, anh định đưa Lâm Mộ về đúng không? Trùng hợp ghê, em với mẹ cũng hẹn nhau đi dạo đúng khu đó.”

Sợ Giang Trì nghi ngờ, cô ta còn chìa luôn tin nhắn WeChat ra làm bằng chứng.

Tôi thì cũng không phải hẹp hòi, tiện đường thì đi nhờ xe cũng chẳng sao.

Nhưng Giang Trì nhìn lướt qua cái màn hình, lạnh lùng buông một câu:

“Không tiện đường.”

Trần Uyển cố cãi:

“Nhưng anh đi qua quảng trường XX mà?”

Giang Trì mở cửa xe cho tôi, xong quay lại nhìn thẳng vào mặt cô ta:

“Trần Uyển, sao em biết anh đi qua đó? Anh chưa từng nói nhà Tiểu Mộ ở đâu, bố mẹ anh cũng không thể nào nói, mà Tiểu Mộ thì càng chẳng thân với em. Em biết bằng cách nào?”

Mặt Trần Uyển tái dại, cười gượng như bị bắt bài quay cóp giữa giờ kiểm tra:

“Thì… nhà em dù không giàu, nhưng cũng là dân bản địa thành phố A. Muốn tra địa chỉ, có khó gì đâu…”

Giang Trì nhếch môi:

“Trần Uyển, nể mặt bố em, nhà anh chưa từng bạc đãi em. Nhưng đừng có được đằng chân, lân luôn lên cổ!”

Tôi đứng cạnh mà cũng phải thầm gật gù. Xưa giờ cứ thấy Trần Uyển nhắc “ân tình”, mà chưa thấy mặt bố cô ta lần nào, hơi lạ.

Tôi hỏi nhỏ:

“Bố cô ta đâu, sao chưa bao giờ thấy xuất hiện?”

Giang Trì thở dài:

“Hồi bố anh khởi nghiệp, ông ấy từng giúp một tay. Rồi sau đó hai người gặp tai nạn, ông ấy đẩy bố anh ra, còn mình thì mất.”

“Thế nên bao năm nay, bố mẹ anh coi như báo đáp, mỗi năm gửi cho nhà cô ta vài ba triệu. Nếu không vì mẹ cô ta không chịu chuyển đi, chắc nhà anh cũng mua cho họ căn rồi.”


Vì nhà tôi ở trung tâm, giờ cao điểm tắc như chợ Tết, nên Giang Trì tạt xe vào lề, rủ tôi đi ăn trước.

Không ngờ lại đụng ngay mẹ con nhà Trần Uyển trong nhà hàng, ngồi luôn bàn kế bên.

Dù vừa sáng đã “bật” nhau, Giang Trì vẫn lịch sự chào hỏi:

“Dì Trần, dì cũng đến ăn tối à?”

Mẹ Trần Uyển chẳng buồn ngẩng mặt:

“Chuyện tiện đường như thế, mà không cho Tiểu Uyển đi nhờ được à?”

Trần Uyển kéo tay mẹ, cố xoa dịu:

“Mẹ! Mẹ đừng nói linh tinh. Anh Giang Trì không cố ý đâu…”

Ồ, “không cố ý” à? Vậy là ai cố ý nhỉ? Tôi chắc?

Tôi cười mát, nhếch môi một cái:

“Không muốn chở thì cần lý do chắc?”

Tôi học tài chính – kế toán, lúc gửi CV đã nhắm sẵn khu vực này, thuê nhà gần đây là chuyện hiển nhiên. Tưởng thế là hết chuyện? Chưa đâu.

Giang Trì vẫn giữ thái độ nhã nhặn, nên sau đó vẫn lái xe đưa cả hai mẹ con về.

Đến lúc xe dừng dưới chung cư, Trần Uyển đang ngồi sau bỗng lên tiếng chọc ngoáy:

“Tiểu Mộ, tiền thuê nhà quanh đây chắc không rẻ nhỉ? Dạo này người ta toàn đặt cọc một tháng, trả ba tháng. Chị mới ra trường mà lo được thế, giỏi thật đấy.”

Tôi chưa kịp đáp, mẹ cô ta lập tức chêm vào như thể phối hợp ăn ý từ bé:

“Người mới ra trường lấy đâu ra tiền? Chẳng qua gặp được người đàn ông tốt thôi. Tiểu Uyển nhà tôi thì lại độc lập quá, chẳng biết dựa vào ai…”

Tôi mỉm cười, chưa kịp lên tiếng thì Giang Trì đã đập tay vào vô lăng cốp một cái:

“Tiểu Mộ đi học năm nào cũng giành học bổng quốc gia. Trong người có tiền thì làm sao?”

“Trần Uyển, em mà cũng mở miệng ra nói ‘độc lập’? Em sống tận Đông Thành, mà ngày nào cũng thấy mẹ em ôm hộp cơm lên Tây Thành? Thế là độc lập kiểu gì, ăn bám tiện thể à?”

“Còn dì Trần, xin lỗi, từ ngày chú Trần mất đến giờ, dì đã đi làm ngày nào chưa? Nhà anh giúp báo ơn, chứ không phải nghĩa vụ trợ cấp!”

“Dì lấy tư cách gì mà chê bạn gái cháu?”

Rồi không chờ thêm giây nào, Giang Trì quay lại:

“Xuống xe cho cháu nhờ!”

Giang Trì xưa nay là người điềm đạm, bên tôi năm năm chưa bao giờ to tiếng. Vậy mà hôm nay, vừa nói dứt câu, anh rút chìa khóa, mở cửa sau, kéo Trần Uyển xuống xe như kéo bao gạo:

“Ngồi xe của tôi mà dám châm chọc người yêu tôi?”

“Dì Trần, dì cũng xuống luôn!”

Mẹ Trần Uyển bị dọa đến run rẩy, lảo đảo bước xuống, lí nhí:

“Giang Trì! Dì cũng xem cháu lớn lên mà… Cháu vẫn gọi dì là dì cơ mà…”

Giang Trì nheo mắt, mặt lạnh như tiền:

“Xem cháu lớn lên? Thôi dì ơi, người nuôi cháu lớn là bố mẹ cháu, không phải ai thi thoảng bưng cơm qua rồi tự nhận là người thân!”

“Người cháu yêu và sẽ đi cùng cả đời này, chỉ có Lâm Mộ. Hai người là cái gì mà đòi đứng ngang hàng?”

Nói rồi, anh mở cốp xe lấy túi của tôi, kéo tôi đi lên nhà.

Vừa đi vừa xoa đầu tôi như dỗ trẻ con:

“Tiểu Mộ, em là người tuyệt nhất. Đừng nghĩ ngợi gì cả. Mấy thể loại không biết ngượng ấy, mình chặn là đúng!”

Tối nằm lướt điện thoại, lại thấy Trần Uyển đăng Weibo.

Khác hẳn cái bài văn sướt mướt buổi trưa, lần này đã có mấy bình luận thả tim thương cảm các kiểu.

Bài viết kể lại “toàn bộ sự thật” của hôm nay — tất nhiên là phiên bản do chính cô ta đạo diễn, biên kịch và tự diễn xuất luôn.

Tôi nhìn lượt like và chia sẻ, tặc lưỡi:

“Ối giời, thế này mà cũng gọi là ‘drama’? Còn chưa đủ trình hot search đâu!”

Công ty tôi ngay trung tâm thành phố, từ chỗ thuê nhà đi bộ đến chỉ tầm mười phút. Quá tiện.

Vậy mà vừa nằm chưa ấm chăn, Giang Trì đã gọi:

“Em ơi, dọn nhà đi.”

“Ơ? Dọn nhà á?”

“Ừ, anh thấy chỗ cũ giờ không còn an toàn nữa.”

Tôi vừa nghe đã nhớ ra — Trần Uyển đã biết địa chỉ tôi ở.

Hồi trước tôi còn nghĩ Giang Trì cẩn thận thái quá, giờ thì công nhận anh nói đúng. Nhìn cái kiểu Weibo sầu bi lụy dạo gần đây là biết cô ta tinh thần không bình thường rồi.

Hai đứa tôi nói là làm. Báo công ty nghỉ cái là đi tìm nhà luôn. Cả buổi chiều chọn được căn hộ mới keng xà beng, vừa đẹp vừa gần chỗ làm.

Lúc ngang qua công ty, tôi tình cờ nhìn thấy… Trần Uyển.

Cô ta mặc hoodie màu be, quần jeans, giày dad shoes, tóc búi củ tỏi — y hệt phong cách tôi hay mặc khi tan làm.

Tôi cau mày.

Bình thường Trần Uyển toàn diện váy hoa dài, điệu đà kiểu “cô gái rừng thông” (mori girl). Từ sau cái hôm đi nhờ xe, tự dưng đổi sang style trẻ trung năng động — không biết gọi là trùng hợp hay học theo nữa.

Mà thôi, thời trang vốn không ai độc quyền, tôi cũng chẳng buồn chấp.

Giang Trì lái xe tới đón, vừa mở cửa cho tôi thì Trần Uyển đã lao tới:

“Giang Trì, Lâm Mộ, báo tin vui nhé! Từ mai em làm ở đây luôn!”

“Ừ.” — Giang Trì hờ hững đáp.

“Thế là từ nay anh đến đón Lâm Mộ thì cũng tiện gặp em luôn rồi!”

Giang Trì liếc cô ta, nheo mắt:

“Ơ kìa, tuần trước em bảo làm gần nhà anh cơ mà. Mấy hôm đã đổi chỗ rồi à?”

Giọng Trần Uyển lập tức nhỏ như muỗi kêu:

“Công ty cũ mệt quá anh ạ, ngày nào cũng tăng ca…”

“Ồ? Với học vấn của em mà lọt vào top 500 công ty lớn này á?” — Giang Trì buông nhẹ, mà như tạt gáo nước lạnh.

Tối đó, tôi nhận được tin nhắn WeChat từ Trần Uyển:

“Lâm Mộ, tôi buồn quá. Định đến tìm cô tâm sự một chút. Mang chút rượu nhé.”

Tôi nhìn đồng hồ: 11 giờ đêm.

Tới tìm tôi? Mang rượu? Kinh!

Mới mấy phút sau, cô ta lại nhắn tiếp:

“Cô chuyển nhà rồi à? Tôi đến trước cửa không thấy ai.”

Lúc này tôi mới nhớ — camera ở nhà cũ vẫn chưa tháo, mở ra xem thử.

Vừa mở lên đã thấy Trần Uyển đứng ngay cửa, bên cạnh là một gã đàn ông đội mũ lưỡi trai che kín mặt.

Nửa đêm nửa hôm, kéo theo một người đàn ông lạ đến trước cửa nhà tôi, mà bảo vô tư á? Tin thì đúng là đầu óc có vấn đề thật.

Tôi gửi lại một dòng:

“Giờ tôi sống cùng Giang Trì rồi. Cô muốn tâm sự thì nói với anh ấy nhé.”

Camera quay lại được cảnh Trần Uyển giận quá ném điện thoại xuống đất.

Tôi phì cười:

“Úi giời, đúng là nhà giàu có khác, ném điện thoại như ném vỏ hạt dưa.”

Hôm sau, vừa đến công ty, Trần Uyển chìa cho tôi cốc cà phê, cười như tiên nữ hạ phàm:

“Tiểu Mộ à, tôi biết cô với Giang Trì yêu nhau, nhưng mà… chưa cưới mà đã sống chung thì cũng không hay lắm đâu nhỉ. Tôi nói thật là lo cho cô đấy.”

Giọng cô ta không nhỏ đâu nhé. Văn phòng tôi có bảy người, mà vừa dứt câu là cả bảy quay ngoắt ra nhìn.

Tôi cười, từ tốn lấy trong túi ra một quyển sổ đỏ:

“Ai bảo chưa cưới? Cô nhìn kỹ đi, đăng ký kết hôn đàng hoàng nhé.”

Nói xong, tôi rút luôn túi kẹo cưới để sẵn dưới bàn:

“Mời cả phòng ăn kẹo cưới. Lễ thì đang chuẩn bị, đến hôm đấy mọi người nhớ đến chung vui nhé!”

Trần Uyển bước ra khỏi văn phòng, mặt trắng như vôi.
Trước khi đi còn ghé sát tôi, rít qua kẽ răng một câu:

“Cô nghĩ cô giữ nổi Giang Trì chắc? Cưới rồi tưởng yên tâm à?”

Tôi cười toe, lùi hẳn hai bước như tránh dịch:

“Ơ kìa, cô Trần, tôi có đắc tội gì với cô đâu mà cô rủa tôi ly hôn ngay sau đám cưới thế?”

“Cô nửa đêm nhắn tin cho chồng tôi tôi còn nhịn. Giờ còn trù ẻo hôn nhân nhà người ta nữa à?”

Trong phòng mấy chị em cũng xì xào:

“Ối dào, ghê thật đấy. Cưới chưa được mấy hôm đã có người chực phá rồi.”

“Cái kiểu này mà còn giả nai được thì giỏi thật.”

Không ai nói thẳng, nhưng ai cũng ngầm hiểu: Trần Uyển có chỗ dựa.

Nghe đâu cô ta được vào công ty là nhờ “tặng quà” cho một sếp lớn — đâu đó ba trăm củ.

Tôi nhìn bảng lương tháng này, bỗng dưng thấy… ngậm ngùi.

“Ba trăm triệu mà xin vào làm kế toán á? Nhỡ ghi nhầm một phát, mất sạch tiền lương ba năm là cái chắc.”

Cuối tuần, Giang Trì phải tăng ca, tôi rảnh nên tính nấu gì đó mang qua cho anh ăn.

Vừa cho bánh trứng vào nồi chiên không dầu thì chuông cửa reo.

Tôi biết chắc không phải Giang Trì — anh mang theo chìa khóa rồi.

Tôi đang định bật camera thì bên ngoài đã vang lên cái giọng ngọt sớt muốn sâu răng của ai đó:

“Giang Trì ơi~ Anh nói hôm nọ thèm trứng hấp đúng không? Em hấp xong mang qua cho anh nè~”

“Bạn gái anh không có nhà đúng không? Có thì chắc lại ghen mất… Mệt ghê, lại phải dỗ thôi.”

Nghe kiểu nói bóng gió như vậy, ai không biết còn tưởng tôi vắng nhà là Giang Trì rủ cô ta sang tâm sự.

Tôi bật camera.

Ố là la, Trần Uyển đứng đó, tay bưng bát trứng, mặc bộ đồ ngủ màu hồng pha trắng như đóng phim tình cảm học đường.

Tôi định mở cửa tát cho tỉnh, nhưng rồi nhớ lại lần trước cô ta dắt một gã cao to tới tận nhà tôi.

Camera hôm nay chỉ thấy mỗi cô ta, nhưng ai dám chắc phía sau không có “kịch bản”?

Đang lưỡng lự thì…
Giang Trì vừa vặn về đến.

Anh cau mặt, giọng lành lạnh:

“Cô đứng trước cửa nhà tôi làm gì đấy?”

Tôi mở cửa, thấy anh gạt tay đẩy nhẹ cô ta sang bên.

Trần Uyển ngớ người:

“Ơ… Giang Trì? Sao anh lại về?”

“Tôi hỏi cô đang làm gì ở đây?”

Anh đẩy cô ta lần nữa, bát trứng nghiêng đổ luôn lên tay cô ta.

“A! Nóng quá! Anh làm gì đấy? Em chỉ muốn mang trứng hấp tới cho anh ăn thôi mà…”

“Ai bảo cô mang?”

“Em nhớ hồi bé… mỗi lần mẹ em làm trứng hấp, anh đều ăn ngon lành…”

Giang Trì không nói không rằng, kéo tôi vào nhà rồi đóng cửa rầm một phát.

Hôm nay Giang Trì có gì đó lạ lắm. Mặt cứ đăm đăm như mất sổ gạo.

Tôi ôm lấy anh, vừa dỗ vừa nũng:

“Làm sao thế? Chồng em hôm nay bị ai bắt nạt à? Hay là nhớ vợ quá nên mặt mới cau như bún thiu thế này?”

Anh ôm tôi chặt như ôm phao cứu sinh, giọng khàn đặc:

“Anh vừa biết chuyện ba Trần Uyển mất… là do chính ông ta sắp đặt.”

“Ông ấy bị ung thư giai đoạn cuối, biết không sống được bao lâu nên cố tình tạo ra ‘tai nạn xe’. Mà em biết cái lỗ hổng trong công ty khiến nhà anh khốn đốn năm đó không? Chính ông ấy gây ra đấy. Làm loạn rồi mới quay lại ‘giúp đỡ’, coi như chuộc lỗi.”

Giang Trì vốn ngạo mạn, gặp chuyện bị lừa đảo thế này thì tức là đúng rồi.

Tôi cũng ngớ ra, không ngờ nhà Trần Uyển lại bày được cái chiêu khốn nạn thế.

“Thế anh tính sao?”

“Tiền bao năm qua coi như tiêu rồi, nhưng cũng phải bắt họ nôn ra ít nhất một phần!”

Anh vừa nói vừa gom đồ dắt tôi về nhà, mặt vẫn đằng đằng sát khí:

“Chuyện này phải nói thẳng với bố mẹ anh!”

Về đến nhà, Trần Uyển đã biến mất, chắc bát trứng hấp kia đổ lên người nên về thay đồ rồi.

Tôi tò mò hỏi:

“Sao anh biết được chuyện này?”

“Công ty anh mới tuyển một đứa thực tập sinh, bạn gái nó chính là… mẹ Trần Uyển.”

“Bà ta kể cho thằng bé như kể chuyện cổ tích, nó tưởng hay ho, đem đi khoe khắp nơi.”

Tôi nghe mà trợn mắt:

“Thế… đồng nghiệp của anh bao nhiêu tuổi?”

“Hai lăm. Gọi mẹ Trần Uyển là ‘chị đại phú bà’. Khổ, vừa vào công ty đã thấy sếp tương lai gọi mẹ vợ là ‘chị’.”

Nhà họ Trần đúng là biết hưởng. Mỗi năm nhà Giang Trì gửi tiền biếu không, lễ Tết quà cáp chất đống, tính ra cũng cả đống tiền chứ chẳng ít.

Bị đuổi khỏi nhà họ Giang rồi mà mẹ Trần Uyển vẫn cứ thích sang. Lúc nào cũng tay xách nách mang, vào nhà như vào sảnh khách sạn.

Vừa mở cửa, tôi đã thấy bà ta vắt chân chữ ngũ ngồi giữa sofa, nhai ô mai, bàn trà trái cây ngập mặt. Ngồi với mẹ Giang Trì như đúng rồi.

Chúng tôi vừa bước vào, bà Giang còn chưa kịp mở lời thì bà kia đã nhe răng cười:

“Ơ kìa Tiểu Giang, Tiểu Lâm, về rồi à? Vào ăn miếng trái cây cho mát nào, còn lâu mới tới bữa cơm.”

Giang Trì nheo mắt, không vòng vo:

“Bà mò đến nhà tôi làm gì?”

Không đợi bà ta trả lời, anh giật lấy túi xách rồi… quẳng thẳng ra cửa:

“Ra ngoài. Ngay. Không thì tôi lôi ra đấy.”

Nếu không phải nhà anh dạy tử tế từ bé, chắc giờ đã có cái tát nổ đom đóm rồi.

Bà ta mặt tái dại, đứng lóng ngóng, cố gắng cứu vớt thể diện:

“Chắc Tiểu Giang bị ai làm khó nên mới cáu. Trẻ con bây giờ hay giận rồi đổ lên đầu người thân lắm…”

“Tiểu Giang à, con có giận thì giận dì thôi, đừng giận mẹ con.”

Giang Trì cười nhạt, mắt khinh khỉnh:

“Thế tức là cái ‘trai trẻ’ của dì cũng hay cáu với dì lắm đúng không? Nghe giọng biết ngay người có kinh nghiệm.”

Bà ta đứng hình. Mặt cứng như tượng, lí nhí lùi ra cửa.

“Không phải… chuyện đó… chỉ là vui chơi thôi, chơi bời tí mà…”

Chơi bời mà nhét được cả con gái vào công ty nhà người ta thì đúng là cao tay.

Chuyện này vốn là việc riêng của nhà họ Giang, tôi đang tính tìm cớ chuồn sớm thì bác Giang – bố chồng tương lai – đã gọi giật lại:

“Tiểu Lâm, con cứ ở lại mà nghe. Sau này làm dâu trưởng nhà này, có chuyện gì mà không được biết?”

Bác trai làm ăn lớn, lại từng lăn lộn đủ mặt trận, chuyện đời không thiếu. Mấy năm nay bác cũng lờ mờ nhận ra nhà Trần Uyển có vấn đề, nhưng nể tình bạn cũ nên nhắm mắt cho qua. Chẳng qua là không tiện lật bài sớm.

Giờ Giang Trì đã đích thân vạch mặt, bác cũng chẳng cần khách sáo nữa.

Mặt bác gái Giang tái như tàu lá, giận đến mức lôi cả mấy ngăn tủ ra lục:

“Tôi xem rồi, mấy năm nay mẹ con nhà kia vác đồ nhà mình về chắc cũng phải cả trăm triệu! Đồ không mua, cứ thế cầm đi như đi chợ, báo công an thôi! Để vào trại mà ăn miễn phí!”

Tôi lấy ra tập tài liệu đã chuẩn bị sẵn từ trước: bằng chứng Trần Uyển đưa phong bì cho sếp, rồi cả giấy tờ giả mạo sổ sách kế toán. Tôi còn đặc biệt lọ mọ lướt lại mấy bài viết khóc lóc bốc phốt của cô ta trên Weibo — ôi giời, hơn ngàn lượt chia sẻ, mấy nghìn bình luận.

Cảm ơn chị Uyển vì đã tự tay viết luôn bản cáo trạng online.

Tôi vốn chẳng phải người hiền lành gì, nhịn bao lâu nay cũng chỉ vì nể mặt nhà chồng. Nhưng đã ra tay thì phải cho ra trò.

Mẹ chồng tương lai vỗ vai tôi một cái:

“Giỏi! Không hổ là con dâu mẹ chọn!”

Bác trai cũng không chần chừ, gom bằng chứng là gọi công an ngay.
Nửa tiếng sau, bác gái Giang nhận được cuộc gọi từ… ai chứ, mẹ Trần Uyển.

Đầu dây bên kia gào to như bán cá:

“Cậu Giang, cậu làm gì thế hả? Sao lại báo công an?”

Giang Trì lạnh như băng:

“Ai làm thì người đó chịu.”

Bà kia lại gào:

“Thế sao trước đây không nói?”

“À, quên. Giờ mới nhớ ra.”

Điện thoại bị Trần Uyển giật lấy, hét lên:

“Lâm Mộ! Tôi biết ngay là cô!”

Tôi nhận điện thoại từ tay bác gái, suýt phì cười:

“Chị học tài chính kế toán mà không biết làm giả sổ sách là phạm luật à?
Giáo viên nào cũng dạy câu đầu tiên là: ‘Đừng tham, đừng liều, không thì ăn cơm tù’.

Chị không học thì thôi chứ lôi tôi vào làm gì?”

“Còn mấy bài chị đăng lên mạng á? Xin lỗi chị chứ, đây là Weibo, không phải phim thần tượng để chị đóng vai nữ chính não cá vàng rồi bịa chuyện lung tung!”

Ngày tôi và Giang Trì cưới, cũng là lúc tòa án tuyên án cho mẹ con nhà họ Trần.
Tất cả là nhờ bác trai Giang âm thầm thúc đẩy phía sau. Bác gái diện váy đỏ, tóc xoăn bồng, môi đỏ như hoa mẫu đơn, vừa đến nơi đã cười tươi rói:

“Con bé Trần Uyển bị xử 8 năm tù. Còn bà mẹ thì bị phạt trả lại toàn bộ tiền chiếm dụng, chắc gì đã trả nổi – mà không trả được thì ngồi thêm ít năm nữa cho nhớ đời.”

“Đúng là nhìn mặt chẳng đoán được lòng người. Nhìn hiền lành dịu dàng, ai ngờ tay nghề làm giả sổ sách lên tới chục triệu!”

“Công ty con giờ cũng đang chuẩn bị khởi kiện nó đấy. Còn cái ông lãnh đạo nhận hối lộ thì đang bị điều tra vì nghi ngờ ăn cắp bí mật công ty.”

“Mà cái bài Weibo hôm nọ… đúng là tự tay đốt nhà!”

Tôi ngồi cho chuyên viên làm tóc, nghe đến đấy thì không nhịn được cười khẩy:

“Thế thì tốt quá rồi còn gì!
Luật pháp có từ điển rõ ràng thế mà vẫn cố tình phạm hai lần thì không đi tù thì để làm gì?”

Gặp thể loại ‘trà xanh’, không cần tát, không cần đánh ghen, chỉ cần đưa lên thớt pháp luật là cạch mặt luôn.

Hôm nay là ngày cưới, hiếm lắm mới thấy Giang Trì căng thẳng đến mức đứng từ xa cũng thấy tay run.

Tôi khoác tay bố, bước vào lễ đường.

Không có ai mặc trùng váy cưới với tôi.
Không có ‘trà xanh’ núp lùm.
Không có ‘bạch liên hoa’ bay vào phá đám.

Cuộc đời đúng là đang nở hoa.

MC hỏi:

“Cô có đồng ý lấy Giang Trì làm chồng không?”

Tôi nhìn sang Giang Trì, tay anh vẫn run.

Tôi nắm lấy tay anh, mỉm cười:

“Em đồng ý.”

HOÀN


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.