Trước khi lên bàn mổ, bố tôi bỗng dưng bảo:
“Con là do bố cướp về đấy!”
Lúc ấy, ông đang lướt Douyin, xem đi xem lại một video nhận người thân thất lạc. Video thì ồn, tôi đành với tay bấm tạm dừng rồi hỏi:
“Bố nói rõ hơn xem nào?”
Thế là bố tôi—đồng chí Lão Chu—quệt tay lên mặt, thở dài đánh thượt, bắt đầu kể về cái đêm đông lạnh cắt da cắt thịt năm nào…
Nửa tiếng sau, ông được đẩy vào phòng mổ. Dọc đường, tay nắm chặt lấy tay tôi, dặn dò đủ thứ.
“Con gái, nếu bố không qua khỏi, nhất định phải đi tìm bố mẹ ruột của con đấy!”
“Bây giờ có cái công nghệ ADN gì gì đó, xét nghiệm phát là ra ngay.”
Mắt ông rưng rưng, bộ dạng như thể sắp đi xa thật.
Tôi đứng ngoài phòng mổ, rút tay ra, thở dài.
Gần sáu mươi tuổi rồi, cắt trĩ thôi mà làm như sắp xuống lỗ đến nơi…
Ngồi ngoài chờ, tôi xoa xoa tay, cố tiêu hóa cái câu chuyện kỳ lạ vừa nghe.
Theo lời bố tôi kể, chuyện xảy ra vào một đêm mùa đông rét căm căm.
Hồi ấy, ông lang thang ở Trấn Giang, làm nghề thu mua phế liệu. Liên tiếp mấy ngày ế ẩm, người thì đói rũ, túi thì rỗng, ông lê la khắp phố với cái bụng biểu tình dữ dội.
Cuối cùng, chẳng chịu nổi nữa, ông đánh liều chặn đường một người phụ nữ mặc áo lông thú, rụt rè đưa tay xin một đồng mua bánh nướng.
Ấy thế mà thay vì hoảng sợ, người phụ nữ chỉ đứng lặng, nhìn chằm chằm vào ông dưới ánh đèn đường tù mù. Đôi mắt đen lay láy của bà ta khiến ông lạnh sống lưng.
Lão Chu thấy có gì đó sai sai, tính rút lui thì bất ngờ, người phụ nữ dúi vào tay ông một bọc vải.
Lúc đó, mỗi tay bà ta đang ôm một bọc, trông chẳng khác gì hai cái kén tằm khổng lồ.
Hành động của bà ta quá tự nhiên, đến mức Lão Chu theo phản xạ giơ tay nhận lấy. Hai chữ “cướp của” còn chưa kịp thốt ra, sự việc đã xoay theo một hướng hoàn toàn không ngờ tới.
Có lẽ do đói lâu, đường huyết tụt, đầu óc không còn tỉnh táo, tóm lại là ông đã cầm bọc vải, còn người phụ nữ thì quay đầu bỏ đi.
Lão Chu ngớ người, mở bọc ra xem thử. Bên trong là một đứa bé sơ sinh, da dẻ hồng hào, đang ngủ ngon lành.
Ông hoảng hồn hét toáng lên, suýt nữa thì ném luôn cái bọc xuống đất.
Ngoảnh lại nhìn, người phụ nữ đã biến mất dạng. Trên con phố vắng tanh, chỉ còn gió bấc rít lên từng cơn.
Lần đầu tiên “ra nghề”, Lão Chu không những chẳng kiếm được xu nào mà còn “chôm” về một cái miệng ăn.
Ông không dám bế đứa bé lên đồn công an, chả nhẽ lại khai: “Báo cáo các đồng chí, tôi vừa cướp được con gái nhà người ta”? Thời ấy, tội cướp của nặng lắm, nói bừa là đi bóc lịch như chơi.
Vứt lại ư? Trời lạnh thế này, tội quá.
Mang cho người khác ư? Thời đó con gái bị xem nhẹ, ai mà muốn nhận?
Lão Chu vò đầu bứt tai suy nghĩ, cuối cùng lóe lên một ý tưởng—về quê tìm bà nội! Bà đã tám mươi rồi, từng trải đủ thứ, chắc chắn có cách lo liệu.
Quyết định xong, ông lấy cái áo bông cũ bọc đứa bé lại, dùng đòn gánh quẩy lên vai, chân đất đi bộ một mạch về quê tận miền Bắc Giang Tô.
Dọc đường, ai thấy cảnh gã đàn ông quẩy theo một đứa trẻ sơ sinh cũng không đành lòng, người cho bát cháo, người dúi cho cái bánh. Nhờ vậy mà hai bố con về quê an toàn.
Sau ca mổ, thuốc mê chưa tan, Lão Chu thần trí mơ hồ, túm chặt vạt áo tôi, miệng lảm nhảm:
“Hu hu, bà nội ơi, đừng đánh nữa! Đứa bé này đúng là người ta dúi cho con mà!”
“Con thề con không phải loại đàn ông vô trách nhiệm, chơi xong bỏ chạy đâu!”
“Con không biết mẹ nó là ai, thật đấy! Ái chà… đau quá!”
“Đau quá bà nội ơi!!!”
Một gã đàn ông cao mét tám, râu ria xồm xoàm, nằm co ro trên giường bệnh mà gào lên gọi “bà nội”—cảnh này buồn cười đến mức người đàn ông chăm sóc bố ở giường bên cũng phải quay đi, kéo cổ áo che miệng cười khúc khích.
Xem ra, trong cơn mê sảng, Lão Chu đã quay về quá khứ.
Bà nội của ông, tức bà cố của tôi—Chu Lư thị—là một cụ bà “chân nhỏ” nhưng cực kỳ nghiêm khắc. Hơn tám mươi tuổi vẫn quất roi gậy làm cháu trai chạy tóe khói khắp sân.
Cụ dậy từ tờ mờ sáng nấu cháo, đút cho tôi ăn, chăm tôi như chăm gà con.
Bà mất khi tôi đã biết đi.
Lão Chu tìm lại cái đòn gánh năm xưa, gom ít đồ, đóng cửa nhà, dẫn tôi trở lại Trấn Giang.
Về đến nơi, hai bố con tiếp tục công việc cũ. Lão Chu đi khắp phố thu mua phế liệu, còn tôi thì lẽo đẽo nắm vạt áo đi theo.
Có lẽ đời sống nhân dân đi lên, lượng phế liệu cũng tăng theo, lần này hai bố con không còn lao đao như trước nữa.
Từ cái đòn gánh đổi thành xe đẩy, từ xe đẩy lên xe ba gác, rồi xe ba gác nâng cấp thành xe tải nhỏ.
Cuối cùng, chúng tôi cũng có một trạm thu mua phế liệu của riêng mình, sống một cuộc đời đủ đầy, chẳng cần ước mong gì hơn.
Từ sau khi “từ cõi âm trở về”, Lão Chu nhất quyết không chịu nhận mình đã từng nói mấy lời linh tinh kia.
Bị tôi hỏi dồn dập, ông bèn đưa tay sờ trán tôi:
“Ngoan nào, con sốt đấy à?”
Thấy tôi lườm nguýt, ông lại nhún vai:
“Không sốt? Vậy sao nói nhảm thế?”
Thế là tôi đột nhiên chẳng còn muốn hỏi nữa.
Nếu câu chuyện đó là thật, thì tôi cũng chỉ là một trong vô số đứa trẻ bị bỏ rơi mà thôi.
Dù quá trình bị bỏ rơi có ly kỳ đến mức nào, dù đằng sau có ẩn giấu nguyên nhân gì, thì bị bỏ rơi vẫn là bị bỏ rơi.
Tôi không hứng thú đi tìm gốc gác của mình, chỉ muốn tiếp tục sống.
Vì thế, tôi thông báo:
“Ngày kia con đi, lên Bắc Kinh.”
Nghe vậy, sắc mặt Lão Chu căng thẳng thấy rõ, cứ như sợ tôi giận thật.
Lão Chu luôn là một người đàn ông rắn rỏi nhưng cũng cực kỳ dịu dàng, sợ tôi buồn, sợ tôi tủi thân.
Nhìn ông như vậy, tôi bỗng thấy mũi cay cay, vội vàng giải thích:
“Sắp khai giảng rồi, con lên Bắc Kinh học đại học mà.”
“Đi cùng con? Thế còn trạm thu mua phế liệu nhà mình?”
Ông cười ha hả, vỗ đùi đắc ý:
“Ha! Bố chuẩn bị từ lâu rồi! Có một trạm thu mua phế liệu ở Xương Bình, Bắc Kinh đang sang nhượng, bố đã mua lại rồi!”
“Bây giờ đi thu dọn đồ thôi, công chúa nhỏ của trạm thu mua phế liệu nhà bố!”
“Công chúa nhỏ của trạm thu mua phế liệu?” Tôi nhăn mặt, “Cái tên này nghe chối tai thật sự!”
Nhưng sự phản đối của tôi hoàn toàn vô nghĩa, trong lòng Lão Chu, danh xưng này cũng vinh quang chẳng kém gì “công chúa Samsung”.