Mua vé muộn nên cuối cùng hai bố con tôi phải ngồi tàu cứng cả đêm để lên Bắc Kinh.
Trong toa tàu, đa phần hành khách đều là người lên thành phố làm thuê, ai cũng đeo theo một cái túi vải bố giống nhau.
Người đàn ông ngồi đối diện nhìn tôi một lúc rồi tò mò hỏi Lão Chu:
“Đây là con gái anh à?”
Lão Chu cười tít mắt, chỉ chờ có thế mà tuôn ra một tràng:
“Phải rồi, con gái tôi đấy! Thi được ba trăm điểm toàn tỉnh, bây giờ hai bố con lên Bắc Kinh học đại học!”
Ông còn định kể nốt chuyện tôi ba tuổi đã thuộc thơ Đường, liệt kê hết mọi dấu hiệu chứng tỏ tôi có năng khiếu thiên bẩm.
Thế là chẳng mấy chốc, nửa toa tàu đều biết con gái ông thi đậu vào một trường đại học danh tiếng ở Bắc Kinh.
Một bác trung niên tốt bụng còn lục ví, dúi vào tay tôi hai tờ tiền mệnh giá một trăm tệ, nói rằng “hiền tài xuất thân nghèo khó, thật đáng quý”.
Đến nửa đêm, cả toa tàu đều mệt rũ. Lão Chu cuộn tròn trên chiếc ghế chật hẹp, ngủ thiếp đi mà miệng vẫn còn nở nụ cười.
Nhìn ông như vậy, tôi âm thầm hạ quyết tâm: Bất kể ai là người sinh ra tôi, kiếp này chỉ có Lão Chu mới là bố tôi mà thôi.
Sáng sớm, tàu đến ga Bắc Kinh. Vừa bước ra khỏi nhà ga, tôi đã thấy xe buýt của trường đến đón.
Hai bố con tôi chia tay ở đây: tôi đến trường, còn Lão Chu thì đi tiếp quản trạm thu mua phế liệu ở Xương Bình.
Trước khi đi, ông dúi vào tay tôi một chiếc thẻ ngân hàng còn hơi ấm, dặn dò:
“Nhớ kỹ, mật khẩu là 201518, ‘2015 nhất định phát’!”
Đúng là một con người cuồng tiền!
Thấy tôi cẩn thận nhét thẻ vào sâu trong cặp, Lão Chu mới yên tâm vác túi vải bố lên vai, sải bước đi xa.
Lên xe, tôi ngủ gà ngủ gật. Đến khi tỉnh dậy thì xe đã vào khuôn viên trường.
Làm thủ tục nhập học ở quảng trường xong, tôi đến ký túc xá.
Phòng sáu người, giường tầng, rộng rãi. Đúng kiểu ký túc sinh viên, một chương mới trong đời chính thức bắt đầu.
Tôi tìm đến giường số hai, leo lên trải chăn ga gối đệm. Đang lúi húi dọn dẹp thì nghe thấy giọng một bác phụ huynh:
“Điềm Điềm, con xem cô bé này tự lập chưa kìa! Sau này trong cuộc sống có gì không hiểu, cứ hỏi cô ấy nhé!”
Mất mấy giây mới nhận ra bác ấy đang nói về mình. Nhìn quanh mới phát hiện, ai cũng có bố mẹ đi cùng, mỗi mình tôi tự xoay xở, bảo sao lại bị khen “tự lập”.
Buổi tối chuyện trò, tôi mới biết cả phòng trừ tôi và một người chưa đến thì đều là học sinh xuất sắc từ các trường cấp ba trọng điểm ở thành phố lớn.
Hôm sau, Khâu Đình mới có mặt. Cô ấy ngồi tàu hỏa gần hai mươi tiếng đồng hồ, xuống tới nơi trông phờ phạc như mất hết sinh khí.
Lúc chỉ có hai đứa, cô ấy chủ động bắt chuyện:
“Nhà tớ có bốn anh chị em đi học, bố mẹ chỉ là công nhân công trường, gánh nặng kinh tế lớn lắm.”
“Mỗi đồng tớ tiêu đều là mồ hôi nước mắt của bố mẹ. Không dám xin nhiều, đóng học phí và ký túc xá xong, tớ còn đúng năm trăm tệ. Phải nhanh kiếm việc làm thêm thôi, cậu đi tìm cùng tớ nhé?”
Rõ ràng, sự xuất hiện của tôi khiến Khâu Đình như tìm được đồng minh. Tôi định thú thật là mình không thiếu tiền, trong thẻ Lão Chu đưa còn mấy vạn tệ, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thôi cứ giữ im lặng vậy.
Khâu Đình quyết định làm gia sư. Cô ấy bảo có mác trường đại học danh tiếng, lấy một trăm tệ một tiếng là chuyện nhỏ.
Quả nhiên, cô ấy tìm được ngay hai suất dạy kín cả thời gian rảnh. Còn tôi, cứ đi phỏng vấn là lại bị loại. Phụ huynh lịch sự trả tiền buổi học thử rồi lặn mất tăm.
Khâu Đình thương tình, tìm giúp tôi một công việc:
“Trong viện có giáo sư Trần, con gái ông ấy bị tật ở chân, cần người đưa đón đi học với chạy việc vặt. Nhà bạn ấy ở ngay khu tập thể, lại học cùng lớp với bọn mình, chăm sóc cũng không có gì khó.”
Tôi còn chẳng biết lớp mình có một bạn như vậy, thật khâm phục khả năng hóng hớt của Khâu Đình. Kiểu này sau này nhất định cô ấy sẽ thành công!
Tôi tìm đến tòa nhà nhỏ màu đỏ trong khu tập thể để gặp gia đình giáo sư Trần.
Giáo sư Trần trông điềm đạm, pha cho tôi một tách trà xanh rồi đặt xuống bàn trà. Sau mấy câu trò chuyện xã giao, ông mỉm cười gật đầu:
“Trông cháu có vẻ cẩn thận, sau này Trần Vi nhà bác nhờ cháu giúp đỡ nhé.”
Vợ ông cũng có mặt. Tôi nhận ra bà chính là cô thủ thư suốt ngày ngồi sau quầy thư viện, ít nói, ít cười, nhìn phát là biết kiểu người trầm lặng.
Hôm nay bà ngồi ở góc phòng khách, chỉ liếc tôi một cái rồi thôi, lạnh lùng khỏi bàn.
Lúc này, cửa phòng ngủ mở ra, Trần Vi thò đầu nhìn tôi, khẽ gật rồi lại lặng lẽ đóng cửa.
Công việc này không có gì khó, lương lại khá hậu hĩnh. Trần Vi dù lạnh lùng nhưng rất có ý thức giữ khoảng cách. Cô ấy chưa từng giao tiếp bằng mắt với tôi, cũng không nói thừa câu nào, cần gì thì nói đúng một câu rồi thôi.
Sau này, tôi mới phát hiện trong nhà họ Trần còn có một nhân vật đặc biệt.
Một hôm, tôi thấy hai bà cụ cãi nhau ở ven đường, tranh nhau một cái chai nhựa rỗng.
Một bà nói giọng Bắc Kinh, hùng hổ mắng đối phương:
“Đồ nhà quê, không có văn hóa, cút về quê đi!”
Bà còn lại chẳng buồn đáp, chỉ nhanh tay giật cái chai nhét vào túi.
Ai ngờ đâu, tối hôm đó tôi lại gặp bà cụ ít lời kia trong nhà Trần Vi.
Cửa phòng ngủ nhỏ mở toang, bà đang ngồi xổm dọn dẹp, sau lưng là một đống giấy bìa, chai lọ, sắt vụn chất cao như núi. May mà đây là Bắc Kinh, chứ không thì chắc chắn ổ gián.
Chưa hết, bà cụ này thỉnh thoảng còn nhìn tôi chằm chằm. Tôi cũng không chịu thua, trừng mắt lại. Bà lập tức cúi xuống, giả vờ như chưa có chuyện gì xảy ra.
Tự nhiên bị theo dõi, tôi thấy gai gai người.
Điều kỳ lạ hơn nữa là Trần Vi, cô gái lúc nào cũng xa cách với bố mẹ thanh lịch của mình, lại thường xuyên nói chuyện nhỏ nhẹ với bà cụ bằng tiếng địa phương. Không những thế, cô ấy còn nhờ tôi mua bánh bông lan trong trường mang về cho bà.
Mối quan hệ giữa người với người, đúng là khó lường thật!
Một hôm trời lất phất mưa, tan học, tôi cầm ô đưa Trần Vi về, vừa đến cửa nhà đã nghe thấy tiếng cãi vã om sòm.
“Tôi bảo với bà bao nhiêu lần rồi, dạo này giá xuống rồi, xuống rồi! Bà không hiểu tiếng người à?”
“Tôi không thu nữa! Bà đi tìm người khác mà bán! Làm như tôi ăn chặn của bà mấy trăm triệu không bằng!”
Gã thanh niên quăng cái túi xuống đất, lon nước ngọt với chai nhựa văng tứ tung.
Bà cụ vẫn nắm chặt vạt áo anh ta, anh ta không giãy ra được, nhảy dựng lên, mặt đỏ gay như vừa chạy ba vòng quanh sân vận động.
Trần Vi bình thường trông cứ điềm tĩnh là thế mà lúc này lại tỏ vẻ lo lắng ra mặt.
Tôi thấy tình cảnh hơi tội, bèn bước lên can ngăn:
“Ơ kìa, cân rồi sao lại không thu nữa? Chơi thế ai chơi lại?”
Vừa nói, tôi vừa cúi xuống giúp bà cụ nhặt đồ.
Gã thanh niên thở dài đánh sượt, cuối cùng vẫn lôi ra mấy tờ tiền lẻ dúi vào tay bà cụ, rồi bực dọc vác hai cái túi lớn xuống lầu, vừa đi vừa lầm bầm:
“Thề! Không bao giờ bén mảng đến đây nữa! Vì ba đồng bạc mà cãi nhau đến nhức hết cả đầu!”
Thấy mọi chuyện đã yên, tôi cũng định chuồn, nhưng Trần Vi đột nhiên lên tiếng:
“Chu Trân Châu, uống gì rồi hãy về.”
Ủa? Lịch sử ghi nhận đây là lần đầu tiên cô ấy chủ động rủ tôi! Lại còn tử tế rót cho tôi cốc trà chanh nữa chứ!
Tôi ngồi xuống, vừa nhấp một ngụm thì phát hiện lúc nãy cúi xuống dọn đống chai lọ, chắc bị nước ngọt bắn lên áo khoác. Trong nhà lại hơi nóng, tôi cởi ra vắt lên ghế rồi… tiện thể quên luôn.
Mấy hôm sau trời nắng chang chang, không mặc đến nên cũng chẳng nhớ ra.
Cho đến một ngày, tôi đang tung tăng trên đường thì bị bà cụ chặn lại, dúi vào tay tôi một cái túi ni lông. Còn chưa kịp phản ứng, bà đã kéo chiếc túi vải bố nặng trịch lững thững đi xa.
Mở túi ra, tôi mới thấy áo khoác của mình đã được giặt sạch sẽ, ngay cả vết bẩn cũ ở tay áo cũng chẳng còn.
Từ bé tôi đã không có mẹ, giờ nhìn chiếc áo sạch bong trong tay, trong lòng không khỏi có chút bồi hồi—thứ dịu dàng này, chắc cũng gọi là hơi ấm của một người mẹ nhỉ?
Giáo sư Trần phong độ ngời ngời, một con phượng hoàng bay lên từ vùng quê nghèo khó, nhờ học hành xuất sắc mà được điều từ một thành phố nhỏ lên Bắc Kinh.
Hơn chục năm trước, con gái ông gặp tai nạn giao thông, một chân bị thương nặng. Bà nội của Trần Vi lặn lội từ quê xa lên thăm cháu, nhưng đến rồi thì nhất quyết không chịu về nữa.
Hàng ngày, bà lặng lẽ đẩy cháu gái dạo quanh những góc khuất vắng vẻ trong khuôn viên trường vào lúc trời chập choạng tối.
Nghe nói lúc đó, Trần Vi chỉ cần có bà, hễ thấy bố mẹ là khóc thét lên như gặp kẻ thù.