Học kỳ trôi qua được một nửa, tôi gặp ngay chuyện bực hết cả mình.
Hôm đó, giáo viên công bố điểm bài tập về nhà, tôi lại bị một con không tròn trĩnh.
Ở đại học, điểm quá trình chiếm tỷ lệ cực cao, dính một điểm không là coi như điểm cuối kỳ xác định toang. Mà đã toang thì học bổng, danh hiệu, cơ hội này nọ đều đi tong.
Nhớ như in hôm đó, tôi đã nộp bài đúng hạn cho lớp trưởng, bèn tìm cậu ta hỏi cho ra nhẽ. Cậu ta ấp úng một hồi lâu, rồi tỉnh bơ buông một câu:
“Ơ thế giờ sao? Dù tôi có nộp thiếu thì cô làm gì được? Thích thì đi tìm giáo viên đi, tôi đâu có cố ý.”
Tranh cãi với cái người không có trách nhiệm này chỉ tổ phí hơi, quan trọng là phải xử lý vấn đề. Tôi lập tức viết email cho giáo viên, kèm theo bản ghi thời gian điện tử để chứng minh mình đã nộp bài đúng hạn.
Đợi mãi chẳng thấy hồi âm, tôi đành mò thẳng đến văn phòng. Chưa kịp trình bày được mấy câu, thầy đã mất kiên nhẫn, thẳng tay đóng sầm cửa ngay trước mặt tôi.
Những lời đã chuẩn bị kỹ càng, lòng can đảm tích tụ suốt cả ngày, chưa kịp bung ra thì đã bị đập cho tan tành như bọt xà phòng.
Đứng ngẩn tò te trước cửa mười mấy phút, tôi lủi thủi về ký túc xá, vừa vào phòng đã trèo lên giường, úp mặt ngủ luôn cho đỡ chán đời.
Chăm chỉ học hành là thế mà lại sắp trượt môn, thế thì học đại học để làm cái gì nữa?
Khâu Đình khuyên tôi nhờ giáo sư Trần nói giúp một câu:
“Ông ấy thương con gái lắm, nhờ một tiếng là kiểu gì cũng được.”
Nhưng cái cục tức trong lòng cứ nghẹn mãi không trôi, tôi chẳng buồn làm vậy nữa.
Thấy tôi chẳng động tĩnh gì, Khâu Đình liền mang chuyện này kể với Trần Vi.
Theo lời cô ấy, hai người cùng nhau đến gặp thầy giáo kia. Kỳ lạ thay, ông ấy tiếp đón rất niềm nở, vừa nghe xong liền mở email, gõ lạch cạch mấy cái, trả lời ngay bảo tôi nộp lại bài tập.
Chuyện thế là xong, Khâu Đình chạy đến bên giường, gõ gõ vào thành giường tôi:
“Dậy đi Trân Châu! Hôm nay có tiết học cậu mê nhất đấy!”
Sau vụ bài tập, thoắt cái đã đến tuần thi.
Người ta cứ bảo đại học nhàn, nhưng đến mùa thi thì vất vả hơn cả hồi cấp ba. Nào là ôn tập, nào là viết luận văn, ngày nào tôi cũng bám trụ thư viện từ sáng đến tối, đến mức… ê hết cả mông.
Thư viện đông như nêm cối, vừa cúi xuống đọc sách, quay lên đã thấy một khuôn mặt quen thuộc đang toe toét cười.
Là lão Chu!
Bố tôi đắc ý khoanh tay: “Nhớ con quá! Bố phải dò la mãi mới biết trường con có lô phế liệu cần thanh lý, hehe, thế là mò được vào đây rồi!”
Thì ra lão Chu cứ tưởng trường đại học là nơi bí ẩn lắm, không phải ai muốn vào cũng vào được.
Ông gãi đầu, cười hề hề: “Nơi này mà ai ra vào cũng được thì còn ra thể thống gì?”
Nhưng tôi thừa biết, chẳng có cái chuyện “vô tình đi ngang qua” gì hết. Lão Chu chắc hẳn đã lượn lờ quanh trường cả chục vòng, dò đường mãi mới tìm được tôi.
Thế là tôi dẫn bố đi dạo một vòng, tiện thể đưa ông đến chỗ bà cụ mua phế liệu. Đúng như dự đoán, chàng trai trẻ lần trước dỗi không thèm đến nữa.
Bố tôi và bà cụ vừa gặp đã như tri kỷ, ríu rít bàn luận về kinh nghiệm nhặt phế liệu. Hai người nói chuyện rôm rả từ giá đồng thau, mánh khóe tráo đồ, đến mấy vụ lừa lọc ngày xưa như đổ xi măng vào sắt vụn… Nói mãi không dứt, đến mức có tí phế liệu mà thu gom mất cả buổi.
Lúc sắp đi, lão Chu không quên dặn dò:
“Sáng tối đều phải đánh răng, đừng có ăn lắm kẹo! Sau này răng hỏng, đen sì, lại khóc!”
Tôi vốn là đứa hảo ngọt nhưng cũng dễ sâu răng.
Hồi nhỏ, có lần lão Chu nhặt được một cục đồng thau, bán được tiền là lập tức lôi tôi đến nha sĩ. Kết quả, bác sĩ cầm cái máy khoan bắn tanh tách trong miệng tôi, làm đến tận mấy tiếng.
Ai ngờ một năm sau, răng sữa rụng sạch, thay bằng răng vĩnh viễn, công toi!
Tôi gật đầu nghiêm túc: “Yên tâm đi bố! Bố tiếc tiền chữa răng, con còn tiếc hơn!”
Từ đó, lão Chu bắt tay hợp tác với bộ phận hậu cần của trường, định kỳ đến thu mua giấy vụn, bàn ghế cũ, gần như làm không công. Họ còn cấp cho ông một tấm thẻ ra vào, thế là mỗi lần đến, lão Chu nghênh ngang lái xe tải nhỏ chạy thẳng vào trường, vui như về quê.
Mỗi lần ông đến, tôi lại dắt đi ăn mì căng tin. Hai bố con người miền Nam mà đâm ra mê tít mấy món mì Bắc: nào mì bò Lan Châu, mì d.a.o cạo, mì tương đen, mì dầu ớt… món nào cũng thấy ngon.
Tôi dùng tiền lương do Giáo sư Trần trả nạp hết vào thẻ cơm, hào hứng tuyên bố:
“Bố! Hôm nay con mời! Muốn ăn gì cứ gọi!”
Tiêu tiền tự mình kiếm được, cảm giác đúng là sướng hơn hẳn.
Ăn xong, hai bố con ra ghế đá ngồi, mỗi người cầm một cây kem ốc quế gặm. Kem căng tin tuy rẻ mà ngon, ngồi dưới bóng cây óc chó, gió thổi mát rượi, đúng là hưởng thụ.
Lão Chu vừa liếm kem vừa cảm thán:
“Trân Châu, trường này đẹp thật! Người ở đây văn minh, tinh thần cũng tốt nữa!”
“Nghĩ đến con gái bố cũng đang học ở đây, bố vui quá!”
Rồi ông đột nhiên vung nắm đấm lên trời, hét: “Hây dô!” như một đứa trẻ không biết dùng lời gì để biểu đạt niềm sung sướng.
Đúng lúc ấy, Lâm Nguyên – một bạn cùng lớp – đi ngang qua. Cậu ta nhìn tôi với ánh mắt thắc mắc, tôi liền cười, gật đầu chào rồi giới thiệu:
“Đây là bố tôi.”
Không ngờ, Lâm Nguyên lập tức bước tới, chìa tay ra một cách trịnh trọng:
“Cháu chào bác!”
Lão Chu phấn khởi đến mức chẳng biết trút vào đâu, liền nắm chặt tay cậu bạn, mà nắm chặt đến mức Lâm Nguyên bị bóp đỏ cả tay.
Vậy mà cậu ta vẫn dịu dàng mỉm cười.