13
Bố tôi quen được mấy ông bạn ở bộ phận hậu cần, mọi người nghe tin lão Chu không biết chữ mà lại có con gái học đại học, ai nấy đều phục sát đất.
Hôm đó tôi ra căng tin lấy cơm, còn chưa kịp nói gì đã thấy một bác trai vung cái muôi to tướng, hồ hởi gọi tôi:
“Chính là con bé này đấy!”
Tôi còn đang ngơ ngác, bác ấy chẳng nói chẳng rằng, vèo vèo xúc mấy muôi thức ăn đầy ú ụ đổ vào khay của tôi, sau đó lẩm bẩm tính giá, bảo tôi quẹt thẻ.
Tôi đành ngoan ngoãn quẹt thẻ, tay bưng khay cơm chất cao như núi nhỏ, mắt nhìn quanh tìm chỗ ngồi xuống.
Một bác giáo sư già hiền lành ngồi bàn bên cạnh, nhìn tôi rồi quay sang cậu học trò cò hương của mình, giọng đầy cảm khái:
“Con xem, cô bé này ăn uống đầy đủ thế kia, con cũng phải ăn vào cho có da có thịt!”
Tôi cười khổ trong lòng: Không nỡ phụ lòng tốt của bác trai, hôm nay đành phải ăn no căng bụng vậy.
Từ hôm sau, muốn tránh cảnh này, tốt nhất nên tìm đường vòng mà đi…
14
Tết Dương lịch đến, tôi nhận được một lời mời tham gia hoạt động từ thiện.
Câu lạc bộ của tôi hay tổ chức dạy kèm miễn phí cho bọn trẻ ở trường dành cho con em công nhân ngoại ô. Nhưng cuối kỳ ai cũng bận, đếm đi đếm lại chỉ còn tôi với Lâm Nguyên xung phong đi. Người ít quá, tôi liền nghĩ đến Trần Vi.
Hôm trước cô ấy giúp tôi, tôi còn chưa cảm ơn tử tế. Trời hôm nay trong xanh, nắng đẹp rực rỡ thế này, để cô ấy ru rú trong phòng thì phí quá, tôi quyết định lôi cô ấy ra ngoài.
Ban đầu Trần Vi còn chần chừ từ chối, nhưng chỉ sau vài câu đường mật của tôi, cô ấy đã ngoan ngoãn gật đầu. Tôi vỗ ngực cam đoan với bà cụ sẽ đưa cô ấy về nhà an toàn, thế là mọi chuyện xong xuôi.
Lâm Nguyên đứng đợi ở cổng Tây trường, trên tay ôm một lọ kẹo to, trên vai vắt thêm cây đàn nhị, trông đúng kiểu vừa đi biểu diễn về.
Gặp mặt, cậu ấy dúi hết đống đồ cho tôi cầm, xắn tay áo chủ động đẩy xe lăn.
Trưa hôm đó, tàu điện ngầm tuyến số 4 khá vắng, lại có nhân viên hỗ trợ nhiệt tình, chúng tôi thuận lợi đến trường Hướng Dương.
Chỉ có điều cổng trường đang đào một cái rãnh to, chắc để sửa đường ống gì đó. Lâm Nguyên lập tức xung phong cõng Trần Vi vào, bác bảo vệ cũng nhanh nhẹn bê giúp cái xe lăn.
Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, hệt như thời tiết hôm nay vậy.
Trần Vi ngồi xe lăn, thế nên bọn trẻ con đặc biệt quan tâm, ríu rít chạy tới dúi cho cô ấy đủ thứ đồ ăn vặt.
Lâm Nguyên ngồi xuống giữa lớp, vừa cười vừa hỏi:
“Các em thích nghe bài gì nào?”
Bọn trẻ ngẫm nghĩ một lát, rồi đồng thanh gọi tên mấy bài quen thuộc trong sách giáo khoa.
Lâm Nguyên lắc đầu cười:
“Bài đó buồn quá, để anh kéo cho mấy đứa nghe bài ‘Tái Mã’ nhé, bài này hay lắm!”
Đàn nhị của cậu ấy là đồ gia truyền, kéo hơn chục năm rồi. Tiếng đàn vừa vang lên, như thể có cả vạn con ngựa phi nước đại trên thảo nguyên, mang theo hơi thở tự do ùa thẳng vào ánh nắng ngoài cửa sổ.
Chẳng mấy chốc, tiếng đàn đã thu hút đám trẻ lớp khác, chúng chen chúc nhau ra cửa sổ nhìn vào.
Bài nhạc vừa dứt, cả phòng đồng loạt vỗ tay.
Tôi tranh thủ làm trò ảo thuật, móc từ trong túi ra cây sáo của Trần Vi. Cô ấy tròn mắt ngạc nhiên rồi mừng rỡ:
“Sao cậu lại mang cái này theo?”
Lâm Nguyên đứng dậy, cúi người làm động tác mời, tôi liền không khách sáo, đẩy luôn Trần Vi ra giữa lớp học.
Ban đầu, tiếng sáo còn hơi ngập ngừng, nhưng rất nhanh đã vào guồng, réo rắt như suối nguồn chảy trong núi, nhẹ nhàng như ánh trăng len lỏi qua rừng thông.
Chúng tôi chơi hết mình, bọn trẻ cũng reo hò hết cỡ, không khí náo nhiệt vô cùng.
15
Không biết từ bao giờ, tôi và Trần Vi đã trở thành bạn thân. Cứ rảnh là tôi lại mò đến chỗ cô ấy.
Nhà khu gia quyến yên tĩnh, chúng tôi thường pha một ấm nước chanh, đặt lọ kẹo lên bàn, mỗi đứa một quyển sách, lúc đọc lúc tán gẫu, không ai làm phiền ai.
Ở cạnh Trần Vi có một cảm giác rất yên tâm, kiểu như hai hạt lạc ngủ chung trong một cái vỏ, tròn trịa, ấm áp, không lo nghĩ gì.
Tôi thực sự khâm phục cô ấy. Sức khỏe thì yếu nhưng chăm chỉ hơn tôi gấp mấy lần.
Có lần tôi nghe mấy người thì thào bàn tán sau lưng cô ấy:
“Biết thừa là con gái giáo sư, thầy cô chắc chắn sẽ ưu ái cho điểm tuyệt đối, thế thì còn gì công bằng nữa!”
Nghe thế tôi lập tức đứng ra bật lại:
“Cô ấy làm bài tập chăm chỉ lắm, đừng có ăn không nói có như thế!”
Có lần, Trần Vi thức trắng đêm viết báo cáo, đến mức kiệt sức ngất luôn, phải nhập viện. Thế mà còn khăng khăng bắt tôi mang laptop đến, nhất quyết không chịu dùng giấy xin nghỉ bệnh để “xin xỏ” thầy cô.
Không còn cách nào khác, tôi đành chạy về lấy. Nhưng lúc chuẩn bị bỏ máy tính vào balo, tôi lại khựng lại…