Những ngày sau đó, tôi không chia tay với Thẩm Cảnh. Tôi không thể đặt anh và bố tôi trên cùng một mặt phẳng để so sánh. Dù gì, đến tận bây giờ bố tôi vẫn không nhớ tôi không thích ăn rau mùi. Ông ấy tin rằng quân tử phải tránh xa chuyện bếp núc, từ nhỏ đến lớn, ông ấy chưa từng nấu cho tôi một bát cháo. Tình yêu của bố dành cho tôi hời hợt, chỉ gói gọn trong chữ “tiền.” Nhưng đến cuối cùng, ngay cả tiền, ông ấy cũng không muốn tiêu cho tôi.
Nên vấn đề không nằm ở chỗ ông ấy giàu có, mà là ông ấy không hề yêu thương tôi. Vì thế, tôi vẫn tiếp tục sống cùng Thẩm Cảnh. Anh luôn âm thầm từng chút một tiết lộ những bí mật còn lại của mình cho tôi.
Chẳng hạn, anh không phải là đầu bếp của nhà hàng. Lần đi Bắc Thành cũng không phải là để tham dự hội thảo về chảo Trung Hoa gì cả. Nhưng đúng là anh muốn kinh doanh trong ngành ẩm thực, mục tiêu của anh là làm mới lại thương hiệu nhà hàng của Thẩm Thị. Vì thế, anh nghiên cứu các món ăn hàng ngày ở nhà để tìm cách nâng cao hương vị. Những ngày ở Bắc Thành thật ra là để tham gia hội nghị ngành ẩm thực.
Hoặc như bộ dụng cụ nấu ăn trong bếp, đều là đồ gốm truyền thống hoặc dụng cụ chuyên nghiệp dành cho các đầu bếp cấp Michelin. Thêm vào đó, với nguyên liệu tươi ngon từ nông trại, món ăn của anh không ngon mới lạ.
Ồ, còn chiếc vòng tay ngọc lục bảo trên tay tôi nữa. Đúng là anh đã đấu giá nó ở châu Âu. Trần Việt nói không sai, giá trị của nó là tám triệu đô la Mỹ. Hình như tôi từng đeo chiếc vòng này chen chúc trên tàu điện ngầm thì phải?
Thẩm Cảnh vẫn bình thản nói tiếp. Anh nói, bộ sofa gỗ đỏ trong phòng khách cũng là vật gia truyền của nhà họ Thẩm. Theo truyền thống của người dân Nam Thành, chất liệu và tay nghề của ghế sofa gỗ đỏ được xem là biểu tượng thể hiện bộ mặt của gia đình.
“Nhưng đó chỉ là quan niệm của người lớn thôi, Gia Hân, nếu em không thích, chúng ta có thể quyên góp nó.” Tôi cứ nghĩ là quyên góp cho viện dưỡng lão hay nơi nào đó tương tự. Kết quả là Thẩm Cảnh nói: “Năm ngoái, bảo tàng Nam Thành đã hỏi xem chúng ta có thể quyên tặng nó không.”
“Bảo… bảo tàng?” Tôi tưởng mình nghe nhầm. “Đúng vậy, họ muốn đặt nó ở trung tâm sảnh triển lãm… làm vật trưng bày chính.”
Thú thực, bị Thẩm Cảnh “tấn công” bằng nhiều thông tin như thế này trong mấy ngày qua, tôi nghĩ mình đã quen rồi. Nhưng khoảnh khắc đó, tôi vẫn bị lời nói của Thẩm Cảnh làm choáng ngợp. Sự giàu có của anh và của bố tôi, dường như hoàn toàn không cùng một đẳng cấp.
Sau đó, tôi còn gặp cô Thẩm. Cô ấy quả thật là một người rất thú vị. Cô ấy bảo, khi áp lực công việc cao, cô rất thích đọc tiểu thuyết về các tổng tài. Vì thế, cô đã dạy Thẩm Cảnh nấu ăn từ nhỏ.
“Dù gì thì trong mười tổng tài cũng có đến chín người bị đau dạ dày. Thằng bé nhất định phải biết tự chăm sóc cho bản thân.”
Hôm đó về nhà, tôi đọc cuốn tiểu thuyết mà cô Thẩm giới thiệu: “Phật tử của giới quyền lực Bắc Kinh và mối tình ngược luyến mang thai bỏ trốn cùng bạch liên hoa hạng 18”. Tôi bất giác quay đầu hỏi Thẩm Cảnh: “Truyền thuyết về Phật tử giới quyền lực Quảng Đông của anh là sao thế?”
Anh hơi khựng lại, cười khổ. “Ba năm ở Anh, anh bận đến mức không có thời gian nấu ăn, đồ ăn bên ngoài thì dở đến nỗi chẳng còn thiết sống. Em có hiểu cảm giác của một người Nam Thành khi đến một ‘sa mạc ẩm thực’ không?”
Kết quả là lúc về nước, anh gầy đi một vòng. Sau đó không biết vì sao bên ngoài lại lan truyền tin đồn rằng anh thất tình nên gầy rộc đi. Thêm vào đó, khi về nước anh lại muốn dấn thân vào ngành ẩm thực, cuối cùng… nó biến thành tin đồn rằng anh vì tình mà buông bỏ tất cả, từ bỏ gia nghiệp để ‘tu hành’.”
À. Đúng là như tôi nghĩ. So với một “Phật tử không vướng bụi trần” gì đó, Quảng Đông rõ ràng thích hợp để sinh ra một đầu bếp giỏi hơn.